Khi một mối quan hệ đi đến hồi kết, hoặc thậm chí chỉ là khi chúng ta cảm thấy không được như mong đợi, cảm giác hụt hẫng và tổn thương là điều khó tránh khỏi. Sự bất mãn kéo theo cảm giác lo âu, tức giận, phẫn nộ, khi tích tụ đủ lâu, có thể khiến cặp đôi mất đi cảm giác thỏa mãn và niềm tin trong mối quan hệ. Nhưng liệu bạn có bao giờ tự hỏi, những cảm xúc tiêu cực này thực sự đến từ đâu? Thường thì, chúng ta đổ lỗi cho đối phương, cho những điều họ đã làm (hoặc không làm). Tuy nhiên, theo tâm lý học nguồn gốc sâu xa của sự hụt hẫng lại thường nằm ở chính sự kỳ vọng và đầu tư quá mức của bản thân chúng ta.
Dấu hiệu của những bất mãn và tổn thương
Bạn có thể nhận ra mình đang trải qua cảm giác hụt hẫng và tổn thương thông qua một số dấu hiệu sau:
- Thường xuyên cảm thấy thất vọng: Dù đối phương có làm gì, bạn vẫn cảm thấy không đủ, không đúng như mong đợi.
- Trở nên nhạy cảm quá mức: Cả hai dễ tranh cãi về một vấn đề nhỏ, hoặc vấn đề kéo dài ngày qua ngày
- Có xu hướng dằn vặt bản thân: Bạn tự hỏi liệu mình có làm gì sai, có đủ tốt hay không để xứng đáng với tình yêu, đôi khi điều này kéo theo những suy nghĩ tiêu cực.
- So sánh mối quan hệ của mình với người khác: Bạn thấy mối quan hệ của mình thua kém, ít hạnh phúc hơn những cặp đôi khác.
- Mất đi niềm vui trong các hoạt động thường ngày: Những sở thích, bạn bè, công việc từng mang lại niềm vui giờ đây trở nên tẻ nhạt.
- Cảm thấy lạc lõng trong chính mối quan hệ: bạn luôn cảm thấy đối phương không lắng nghe mình, cảm giác cô đơn trong chính câu chuyện của cả hai
- Chỉ thấy lỗi lầm ở đối phương: khác với ngày mới yêu lúc đó dường như người yêu của bạn là hoàn hảo, thì giờ đây bạn luôn nhìn ra lỗi lầm và điểm không hay của đối phương
- Niềm tin giảm sút: Mối bất hòa tăng cao, bạn dần mất tin tưởng và không muốn cam kết. Bạn đồng thời cũng nhìn thấy điều đó ở đối phương.
Nguyên nhân dẫn đến những bất mãn và tổn thương
1. Bạn quá dễ dàng rơi vào tình yêu khi đối phương chưa đầu tư đủ lớn
Điều đầu tiên kể đến mà bạn có thể không nhận ra, bạn đã vội vàng đặt cả trái tim, cảm xúc và mọi mong đợi vào người ấy chỉ vì một chút quan tâm, một vài lời ngọt ngào, hay thậm chí là một tin nhắn không quá đặc biệt ngay từ ban đầu. Chúng ta dễ dàng “đánh cược” tất cả khi đối phương chưa thực sự làm gì để chứng tỏ họ xứng đáng với tình cảm sâu sắc đó. Đây là một cái bẫy cảm xúc mà nhiều người trong chúng ta từng mắc phải.
Dưới góc nhìn tâm lý, khi chúng ta khao khát một mối quan hệ, bộ não có xu hướng tìm kiếm và diễn giải thông tin theo hướng xác nhận mong muốn của mình (định kiến xác nhận). Một khi đã “nhắm” đến ai đó, chúng ta dễ dàng tập trung vào những điểm tích cực nhỏ nhặt của họ và bỏ qua hoặc giảm nhẹ những dấu hiệu cảnh báo. Sự thiên vị tích cực cũng khiến chúng ta nhìn nhận đối phương và tiềm năng mối quan hệ một cách lạc quan quá mức, tin rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp dù chưa có cơ sở vững chắc.
Bên cạnh đó, khi nhu cầu được yêu thương quá lớn, chúng ta có xu hướng tìm kiếm sự lấp đầy từ bên ngoài. Một cử chỉ quan tâm nhỏ, một lời nói ngọt ngào hay một tin nhắn không quá đặc biệt từ đối phương có thể được phóng đại và coi là “dấu hiệu” của tình yêu, bởi vì nó chạm đến một điểm yếu hay một khao khát sâu sắc bên trong. Khi đó, chúng ta trao đi tình cảm và cảm xúc cho đối phương một cách dễ dàng và bắt đầu có những kỳ vọng vào mối quan hệ.
2. Chưa chữa lành những tổn thương cũ
Nếu bạn mang theo những vết sẹo từ các mối quan hệ trong quá khứ hoặc từ tuổi thơ, chúng có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận và phản ứng trong mối quan hệ hiện tại, khiến bạn dễ bị tổn thương hơn.
Khi đối mặt với nỗi đau và tổn thương, tâm lý con người có xu hướng tự bảo vệ bằng cách né tránh hoặc đè nén cảm xúc. Bắt đầu một mối quan hệ mới có thể là một cơ chế phòng vệ vô thức để đánh lạc hướng, tránh đối mặt với nỗi cô đơn của chúng ta và tạo được cảm giác rằng mình xứng đáng được yêu thương và có giá trị. Thế nhưng, những tổn thương bên trong vẫn cứ âm ỉ và có thể bùng phát lúc nào. Đôi khi chỉ cần một vài hành động của đối phương sẽ khiến cảm giác bất mãn và tổn thương chực trào. Đặc biệt, khi bạn có những so sánh đối phương với mối quan hệ cũ tốt đẹp mà bạn từng có. Điều này càng khiến bạn đau khổ hơn khi không nhận được tình cảm như kỳ vọng.

3. Thiếu sự độc lập và tự chủ
Một nguyên nhân khác dẫn đến cảm giác hụt hẫng chính là khi cuộc sống của chúng ta thiếu đi niềm vui, sự đủ đầy và nguồn hạnh phúc tự thân. Nếu bạn không có những sở thích, mục tiêu, hoặc các mối quan hệ khác để nuôi dưỡng tâm hồn, bạn sẽ dễ dàng đặt toàn bộ gánh nặng hạnh phúc của mình lên vai đối phương. Khi đó, bất kỳ sự thiếu hụt nào từ phía họ, dù nhỏ nhặt đến đâu, cũng có thể gây ra cảm giác trống rỗng và tổn thương lớn. Đây cũng điều mà nhiều cô gái khi yêu không nhận ra.
4. Thiếu giao tiếp hiệu quả:
Khi hai bên không thực sự chia sẻ những mong muốn, cảm xúc và kỳ vọng của mình, sự hiểu lầm và thất vọng là điều khó tránh.
Khi thiếu giao tiếp hiệu quả, các kỳ vọng của mỗi người trong mối quan hệ thường không được bày tỏ rõ ràng. Một người có thể mong muốn sự quan tâm, sự giúp đỡ hay đơn giản là được lắng nghe, nhưng lại giữ kín những điều đó. Đối phương, vì không biết, không thể đáp ứng, dẫn đến việc người kia cảm thấy thất vọng hết lần này đến lần khác.
Theo thời gian, những thất vọng nhỏ nhặt này sẽ tích tụ lại, tạo thành một núi băng chìm của sự bất mãn. Mỗi lần kỳ vọng không được đáp ứng là một lần trái tim bị “xước”, dù chỉ là những vết xước nhỏ, nhưng đủ để gây ra cảm giác bị bỏ rơi, không được thấu hiểu.
Làm sao để hoá giải cảm giác hụt hẫng và tổn thương trong mối quan hệ
1. Chấp nhận sự khác biệt
Đầu tiên, hãy chấp nhận rằng phụ nữ và đàn ông có sự khác biệt trong cách thể hiện và mong muốn trong tình yêu. Đàn ông khi yêu lâu thường cần sự cam kết, trong khi phụ nữ lại cần sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ hơn. Phụ nữ thường yêu cầu nhiều hơn về mức độ được quan tâm, còn đàn ông thì đơn giản hơn, họ sẽ không quan tâm quá chi li. Đây chính là sự khác nhau về việc thể hiện tình cảm giữa hai giới. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn giảm bớt những kỳ vọng không thực tế trong mối quan hệ.
2. Xây dựng một cuộc sống hạnh phúc tự thân
Bên cạnh đó, hãy chậm lại và tập trung cho cuộc sống của chính mình nhiều hơn. Xây dựng cho mình những mục tiêu mới, tìm kiếm những hoạt động mới mẻ, phát triển bản thân và tạo dựng những nguồn hạnh phúc riêng. Khi bạn có một cuộc sống phong phú, đầy đủ và hạnh phúc từ bên trong, bạn sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào một người khác để cảm thấy trọn vẹn. Từ đó, bạn sẽ giảm bớt những kỳ vọng không thực tế cho đối phương. Đặc biệt, theo tâm lý học, khi bạn yêu bản thân, tự động não bạn sẽ bớt tập trung cho đối phương hoặc mối quan hệ. Khi bạn càng ít quan tâm, đối phương sẽ tự nhiên sẽ sợ mất bạn và trở nên quan tâm bạn hơn.
Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi nhất cho tình yêu đâm chồi, phát triển một cách tự nhiên và bền vững. Bởi lẽ, khi bạn là một phiên bản tốt nhất của chính mình, bạn sẽ thu hút được những điều tốt đẹp nhất, và một tình yêu chân thật, xứng đáng sẽ đến một cách tự nhiên mà không cần phải đặt cược quá nhiều.
3. Học cách đặt mình vào vị trí đối phương
Tiến sĩ Steven Stosny, tác giả cuốn sách Empowered Love cho rằng, muốn giải quyết sự bất mãn, cần nhiều kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Để luyện tập lòng trắc ẩn, bạn nên tập đứng ở góc nhìn của đối phương và cảm nhận những điều không hay họ đang chịu đựng.
Ví dụ, một khách hàng từng tìm đến Steven và than, vợ anh sống quá tiêu cực, lúc nào cũng chăm chăm đi hạ thấp người xung quanh. Theo Steven, dùng một sự tiêu cực để soi chiếu sự tiêu cực khác chỉ khiến mọi chuyện xấu đi. Hãy thử đặt mình vào góc nhìn của cô vợ, có phải cô ấy đang tự ti, tổn thương, bị cô lập, hay bị quá tải cảm xúc hay không?
Dù đáp án thực sự là gì, bạn cũng sẽ đón nhận câu chuyện bằng một ánh nhìn bao dung hơn. Ngoài ra, mỗi khi sự tiêu cực xâm lấn, hãy thử nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của người kia, và lý do mà hai người yêu nhau từ đầu.

4. Học cách chia sẻ những suy nghĩ một cách tích cực
Giao tiếp là nền tảng của một mối quan hệ lành mạnh, và việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc một cách tích cực là kỹ năng then chốt để xây dựng sự thấu hiểu và kết nối sâu sắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách diễn đạt những điều mình nghĩ một cách hiệu quả mà không gây tổn thương hay hiểu lầm.
Đây là một trong những nguyên tắc vàng trong giao tiếp lành mạnh. Thay vì dùng “Ngôn ngữ của bạn” (You-Statements) để đổ lỗi hoặc chỉ trích đối phương, ví dụ: “Anh/Em lúc nào cũng thế, chẳng bao giờ lắng nghe cả!”, hãy chuyển sang “Ngôn ngữ của tôi” để tập trung vào cảm nhận của bản thân.
- Ví dụ tiêu cực: “Anh/Em thật vô tâm khi không trả lời tin nhắn của em/anh.”
- Ví dụ tích cực: “Em/Anh cảm thấy hơi lo lắng và buồn khi không nhận được tin nhắn trả lời, vì em/anh đã nghĩ có chuyện gì đó xảy ra với anh/em.”

Cách diễn đạt này giúp đối phương không cảm thấy bị tấn công, từ đó họ sẽ sẵn lòng lắng nghe và thấu hiểu hơn. Nó chuyển trọng tâm từ việc đổ lỗi sang việc chia sẻ cảm xúc cá nhân, khuyến khích sự đồng cảm. Lưu ý nhỏ đó là hãy chú ý thời điểm khi chọn nói ra những suy nghĩ của bản thân để được lắng nghe tốt nhất nhé!
Mong rằng những gì mình chia sẻ, sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân và mối quan hệ. Giúp bạn hiểu hơn cảm giác hụt hẫng và tổn thương mà bạn đang cảm thấy đến từ đâu, từ đó có cho mình giải pháp để xoá bỏ những cảm xúc tiêu cực nhé!